Thể loại
Lưu trữ

Ô nhiễm cadimi và sức khỏe con người

Viết bởi Admin    06/03/2024

Cadimi có mặt trong thiên nhiên cùng với các hợp chất của kẽm và photpho nhưng không giống các dưỡng chất này, cadimi được cho là chất không cần thiết cho sự sống.

 

Ô nhiễm cadimi và sức khỏe con người - Ảnh 1.

Nước ô nhiễm kim loại nặng (bao gồm cadimi) thường gặp tại các lưu vực nước gần các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất hay các khu vực khai thác khoáng sản. Ảnh: VGP

 

Cadimi là một kim loại nặng có công thức hóa học là Cd, tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh. Cadimi ít khi tồn tại dưới dạng tinh chất mà thường kết hợp với các nguyên tố khác tạo thành các hợp chất như cadimi oxit, cadimi clorua, cadimi sunfua, cadimi sunfat. Cadimi có mặt trong thiên nhiên cùng với các hợp chất của kẽm và photpho nhưng không giống các dưỡng chất này, cadimi được cho là chất không cần thiết cho sự sống.

 

Nguồn gốc gây ô nhiễm cadimi vào môi trường và nhiễm độc cadimi ở người

 

Quá trình công nghiệp và nông nghiệp

 

Sản xuất cadimi thương mại bắt đầu vào đầu thế kỷ 20. Ban đầu cadimi được dùng chủ yếu trong mạ điện, nhưng đến những năm 1960 cadimi được sử dụng trong sản xuất pin niken-cadimi. Ngoài ra, cadimi còn được sử dụng trong những loại nước sơn trong kỹ nghệ làm đồ sứ, chén dĩa,… Cadimi dùng trong sản xuất nhựa polyvinyl clorua với mục đích là chất làm ổn định nên đồ chơi trẻ em và các lon hộp làm bằng nhựa polyvinyl clorua thường có cadimi. Đa số lượng cadimi có trong không khí là do kết quả hoạt động của con người đặc biệt nấu chảy quặng kim loại, đốt nhiên liệu hóa thạch và rác thải đô thị. Các hoạt động khai thác quặng mỏ, luyện kim thải ra khói bẩn chứa nhiều cadimi. Lượng cadimi trong không khí ở các vùng sản xuất công nghiệp có thể đạt ở mức cao và dẫn đến tình trạng công nhân bị phơi nhiễm cadimi ngày càng phổ biến. Từ không khí cadimi di chuyển vào trong đất, nước gây ô nhiễm môi sinh. Các loại phân bón hóa học có chứa phosphate là nguồn ô nhiễm cadimi chính trong nông nghiệp. Việc sử dụng bùn cống thải để bón cho đất cũng là một nguyên nhân dẫn tới tích tụ cadimi trong đất.

 

Thực phẩm và nước uống

 

Cadimi có trong đất và nước tích tụ vào trong cây trồng và sinh vật thủy sinh, đi vào chuỗi thực phẩm. Thực phẩm được xem là nguồn gây nhiễm cadimi chính đối với người không hút thuốc. Cadimi thường được tìm thấy trong thận và gan của các động vật có vú với chế độ ăn giàu cadimi; một số loài hàu, sò, hến, động vật giáp xác; các loại rau xanh, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương, khoai tây và các loại ngũ cốc, tinh bột. Một số cây trồng như lúa có thể chứa hàm lượng cadimi cao nếu được trồng trên đất bị nhiễm cadimi nặng.

 

Nhiễm cadimi từ nước uống thường không đáng kể so với các nguồn khác từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên, các tạp chất trong ống dẫn mạ kẽm, chất hàn trong các phụ kiện, các bình nước nóng, nước lạnh và vòi nước đôi khi gây ra việc tăng hàm lượng cadimi trong nước uống.

 

Một số khảo sát cho thấy 98% lượng cadimi ăn phải có nguồn gốc từ thực phẩm trên cạn, 1% là thực phẩm thủy sản, 1% từ nước uống.

 

Hút thuốc lá

 

Cây thuốc lá tích tụ lượng lớn cadimi trong lá nên hút thuốc lá là nguyên nhân quan trọng gây tích tụ cadimi trong cơ thể người đặc biệt là ở thận, cơ quan bị tấn công chính khi bị nhiễm cadimi. Một điếu thuốc lá chứa khoảng 1-2mg cadimi và khoảng 10% lượng cadimi đó đi vào trong cơ thể. Đối với người hút thuốc, 50% lượng cadimi tích tụ trong cơ thể phát sinh từ thuốc lá, trong khi đó đối với người không hút thuốc 95% lượng cadimi đi qua đường ăn uống.

 

Ảnh hưởng của cadimi đến sức khỏe con người

 

Cadimi tích tụ chủ yếu ở thận trong thời gian tương đối dài từ 10-35 năm. Ăn uống thực phẩm chứa lượng cadimi cao sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Tình trạng nhiễm độc lâu ngày sẽ làm tổn thương chức năng hoạt động của thận, làm tăng sự bài tiết của các protein có trọng lượng phân tử thấp trong nước tiểu, tạo sỏi thận.

 

Nhiễm độc cadimi còn gây ra rối loạn chuyển hóa canxi, kéo theo các bệnh lý về xương như làm yếu xương, biến dạng xương, hủy mô xương, gây ra chứng loãng xương và những cơn đau nhức xương.

 

Ngoài ra, cadimi còn gây tổn thương đường hô hấp với các triệu chứng: Viêm mũi, giảm khứu giác, mất khứu giác. Hít phải bụi chứa oxit cadimi với liều lượng cao gây viêm phổi cấp tính, có thể dẫn tới chết người. Phơi nhiễm nghề nghiệp lâu dài với hàm lượng cao cadimi có triệu chứng viêm phế quản, viêm phổi mạn tính (ho, khó thở, đau ngực, sốt); góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư phổi. Một vài nghiên cứu cho thấy cadimi có thể gây ra các bệnh ung thư thận và tuyến tiền liệt. Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (The International Agency for Research on Cancer - IARC) phân loại cadimi và các hợp chất cadimi là chất gây ung thư nhóm 1.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới quy định giới hạn an toàn cho phép (maximum level) của cadimi trong nước uống là 3µ/l, trong không khí là 5ng/m3, lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được tạm thời (Provisional Tolerable Weekly Intake): 25µg/kg.

 

Năm 2011, Bộ Y tế ra thông tư 42/2011/TT-BYT bổ sung bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.

 

Một số biện pháp giảm ô nhiễm cadimi

 

Để giảm tình trạng ô nhiễm cadimi trong môi trường và phơi nhiễm cadimi nghề nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị thực hiện các biện pháp sau:

 

- Cấm hút thuốc tại nơi công cộng.

 

- Hạn chế các nguồn thải cadimi từ khai thác mỏ, luyện kim, tiêu hủy chất thải, ứng dụng bùn thải vào đất canh tác, sử dụng phân bón phosphate và phân chứa cadimi. Phát triển kỹ thuật xử lý an toàn chất thải và nước thải có chứa cadimi.

 

- Đẩy mạnh các biện pháp để tăng cường tái chế cadimi và hạn chế các ứng dụng không thể tái chế.

 

- Có biện pháp giảm tiếp xúc với cadimi như cải thiện điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp luyện kim và phổ biến thông tin về việc sử dụng đúng phân bón.

Gợi ý cho bạn

Mỗi giây, 4 triệu tế bào trên cơ thể bạn sẽ chết: Các nhà khoa học đang đi vào "nghĩa địa của các tế bào" để tìm hiểu tại sao lại vậy? Kiến thức hữu ích Mỗi giây, 4 triệu tế bào trên cơ thể bạn sẽ chết: Các nhà khoa học đang đi vào "nghĩa địa của các tế bào" để tìm hiểu tại sao lại vậy?

Một trong số những nghĩa địa đó có thể được ví như nghĩa trang liệt sĩ được cơ thể ghi công, khi các tế bào chiến đấu rồi hi sinh thân mình, thậm chí cảm tử với vi khuẩn để bảo vệ bạn.

Bí mật đằng sau thiết kế tựa đầu ô tô mà bạn chưa biết Kiến thức hữu ích Bí mật đằng sau thiết kế tựa đầu ô tô mà bạn chưa biết

Khi ngồi trên xe ô tô, chúng ta thường nghĩ về tựa đầu ghế như một bộ phận giúp tạo sự thoải mái. Tuy nhiên, theo Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Hoa Kỳ (IIHS), tựa đầu không chỉ mang lại sự dễ chịu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, khi xảy ra tai nạn.